Tiếp cận phương pháp giáo dục sáng tạo

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013


sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://www.tbvtsg.com.vn/show_article.php?id=17916&ln_id=172
Hiện nay, xã hội học tập ở Việt Nam không còn là khẩu hiệu hay một giai đoạn phong trào mà là một thực tại gắn liền với cuộc sống và cộng đồng, với văn hóa và xã hội, và với từng bước phát triển của nền kinh tế. Khi phương thức giáo dục cũ đang bộc lộ những hạn chế trong việc tiếp cận và giải quyết những vấn đề thực tại thì cũng chính là lúc các ngành chức năng cần mạnh dạn thay đổi mô hình, từ chỗ "lấy người dạy làm trung tâm" sang "lấy người học làm trung tâm". Mô hình mới này được gọi là giáo dục sáng tạo vì nó dựa trên lý thuyết kiến tạo (constructivist theory) với sự tích hợp của nền công nghệ thông tin hiện đại.
Sự xuất hiện của các phương tiện CNTT hiện đại đã giúp cho việc tiếp cận phương pháp giáo dục sáng tạo trở nên dễ dàng và phổ biến hơn
Nền tảng của thuyết kiến tạo là coi giáo dục như một tiến trình mà mỗi cá nhân tự gầy dựng (construct) cho mình những ý nghĩa hay những giá trị dựa trên những sự hiểu biết và kinh nghiệm đã có. Tri thức ở đây không phải là từ đâu đến, cũng không chỉ được tiếp nhận một cách thụ động mà ngược lại được chính người học tạo ra qua quá trình chuyển hóa thông tin, xây dựng giả thuyết và đưa ra quyết định (decision) chứ không chỉ những kết quả hay đáp số (result). Như vậy, hoạt động giáo dục ngày nay là một quá trình sáng tạo, không chỉ nơi các bậc học cao mà ngay khi chúng ta còn tấm bé. Xuất thân từ giáo dục Nho giáo, ở Việt Nam, người dạy cũng như người học khó có thể cảm nhận được bề sâu của phương pháp giáo dục mới nếu không nhìn nhận vai trò của công nghệ thông tin (CNTT). Sự tích hợp CNTT vào nền giáo dục, trên thực tế, đang làm nên một cuộc cách mạng lớn.
Tích hợp công nghệ thông tin vào nền giáo dục
Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng đúng mức CNTT sẽ xúc tác quá trình chuyển đổi giáo dục sang mô hình "lấy người học làm trung tâm" ở cả trong nội dung và phương pháp giảng dạy, cả hai vốn là trọng tâm của cuộc cải cách giáo dục ở thế kỷ 21. Một khi được thiết kế và áp dụng đúng cách, phương pháp giáo dục có CNTT hỗ trợ (IT-supported education) tạo nên năng lực tuyệt vời cho việc tiếp nhận kiến thức và kỹ năng nhờ làm thay đổi đến tận gốc phương pháp học nhớ hay thậm chí học vẹt trước đây.
Trên thực tế việc tích lũy CNTT, bao gồm việc sử dụng máy tính và khai thác Internet vào việc dạy và học, đã trở thành xu thế chung ở cả ba cấp độ: học về CNTT, học với CNTT và học qua CNTT. Tuy Việt Nam đang có tốc độ phát triển CNTT khá nhanh nhưng việc tạo ra môi trường tích hợp như thế còn rất hạn chế hoặc không đồng đều, thậm chí thiếu sự quan tâm, nhất là ở hai cấp tiểu học và trung học.
Hầu hết các trường đại học nay đã nhận ra nhu cầu tất yếu của việc đưa CNTT vào công tác đào tạo, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở chỗ học về (learn about) nghĩa là chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản để sử dụng máy tính. Một quá trình học với (learn with) đòi hỏi học viên phải đạt đến kỹ năng trình bày, suy diễn và vận dụng các kho dữ liệu trên Internet bằng những công cụ sản xuất của máy tính. Cụ thể, người học phải biết dùng các ứng dụng chuyên biệt để đào sâu lý thuyết, tổ chức thực hành, xây dựng trò chơi, mô phỏng, trợ dẫn, thực hiện các thí nghiệm ảo, minh họa hay trình bày đồ họa những khái niệm trừu tượng, cuối cùng phải biết tìm đến nguồn thư viện quý giá trên Internet gồm các bộ bách khoa, atlas, bản đồ giao tiếp, báo điện tử và các nguồn tham khảo khác.
Với sự phát triển của CNTT, việc học ngày nay không chỉ khu trú trong các trường lớp mà lan rộng ra xã hội bằng việc học qua (learn through) máy tính và Internet, tạo nên một xã hội học tập ở bất cứ nơi nào, lúc nào và cho bất kỳ ai.
Tiếp cận phương pháp giáo dục sáng tạo
Mô hình giáo dục kiến tạo hướng tới sự hình thành năng lực sáng tạo nơi mỗi con người, ở mọi độ tuổi, nơi mỗi dân tộc. Việc cải tổ giáo dục theo định hướng này đồng nghĩa với việc giải phóng tri thức khỏi các giới hạn về thể lý, địa lý, các quan niệm thiên kiến và cả các dị biệt hay xung khắc trường phái.
Giáo dục sáng tạo đặt trên căn bản vận dụng những sự hiểu biết, kinh nghiệm và kỹ năng tích lũy trước đó để cho ra những sản phẩm trí óc hay các tư duy mới, từ đó tạo thành một hệ thống kế thừa thống nhất mang tính tích hợp (integration) chứ không chỉ tổng hợp (summarization).
Lý thuyết giáo dục kiến tạo đã có từ lâu, nhưng sự xuất hiện các phương tiện CNTT hiện đại đã làm cho việc tiếp cận phương pháp này trở nên dễ dàng, phổ biến và mang tính toàn cầu tạo nên chuẩn mực mới cho việc dạy và học.
Kinh nghiệm thành công của các nền giáo dục trong việc phát huy sáng tạo ngày nay cho thấy vai trò tích cực của CNTT, thể hiện bởi năm đặc trưng: nội dung phong phú thiết thực (active), cộng đồng hợp tác (collaborative), phương pháp sáng tạo (creative), kế thừa có hệ thống (integrative) và lượng giá (evaluative) dựa trên các khám phá. Tích hợp CNTT vào việc học giúp chúng ta huy động các công cụ của máy tính và dữ liệu trên mạng Internet vào việc khám phá, tính toán, phân tích thông tin, tạo nền tảng cho các cuộc khảo sát và xây dựng thông tin mới.
Học viên được học tùy theo năng lực của họ và vào lúc họ thấy thích hợp. Họ có khả năng đào sâu và đưa các kiến thức chuyên sâu đó vào việc giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống. Việc học bây giờ trở nên có ích hơn, ít trừu tượng hơn. Trái với sự thụ động trong phương pháp học nhớ hay học vẹt, phương pháp học tập tăng cường CNTT (IT-enhanced learning) giúp học viên dấn thân mạnh mẽ hơn vào cuộc sống, vào cộng đồng xã hội và vào chính công việc mà mình lựa chọn. Dấn thân là tiền đề cho bất kỳ sự thành công nào.
Phương pháp học tăng cường CNTT thúc đẩy mạnh mẽ sự giao tiếp và hợp tác giữa các học viên, giáo viên và chuyên viên ở mọi lĩnh vực cho dù họ ở gần hay rất xa nhau, tạo thành một mô hình "học hỏi" trên mạng như trong đời thường. Mạng Internet giúp chúng ta giao tiếp được với những con người thuộc các nền văn hóa khác nhau nhờ đó gia tăng sự quan tâm đến các vấn đề cộng đồng, xã hội hay toàn cầu.
Trên nền tảng hợp tác này việc học không chỉ giới hạn trong một lứa tuổi, một chuyên ngành hay khu trú trong các trường lớp với những người bạn và những người thầy nhất định, mà mở rộng ra cả về không gian lẫn thời gian đến mọi kiến thức mà mình cần có. Tính năng sáng tạo nơi mỗi học viên là hệ quả của việc vận dụng các thông tin hiện hữu để sáng tạo ra các sản phẩm thực thụ thay vì nhai lại những thông tin và hiểu biết trước đó.
Trên thực tế phép học tăng cường CNTT giúp chúng ta tiếp cận một cách có hệ thống thống nhất, mà ta thường gọi là tích hợp – integration, không phân biệt giữa lý thuyết với thực hành, sách vở với đời thật, giữa các quan điểm hay trường phái, và cả giữa thầy với trò.
Người ta cũng nhận ra cách đánh giá việc học ở đây khác với lề lối cổ điển ở chỗ nó lượng giá năng lực khám phá của mỗi học viên chứ không phải những thành tích ghi trên bảng điểm. Hơn bao giờ hết, việc tiếp cận phương pháp giáo dục sáng tạo giúp Việt Nam vượt qua chặng đường cải tổ giáo dục gian nan trước khi hụt hơi vì những chuyển biến nhanh chóng của cộng đồng xã hội ngày nay.





----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét