Lôi kéo sếp "vào cuộc" sáng tạo

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=402453&ChannelID=269
“Nhóm của tôi thường nảy ra những ý tưởng thú vị, nhưng khi chúng tôi giới thiệu những ý tưởng đó cho các giám đốc điều hành cấp cao thì chúng luôn bị bác bỏ. Làm thế nào để tôi có thể thuyết phục sếp đầu tư vào những ý tưởng của chúng tôi?”.
Đối với Roberto Verganti, tác giả của cuốn sách Design-Driven Innovation: Changing the Rules of Competition by Radically Innovating what Things Mean (tạm dịch: Sáng tạo đi từ thiết kế - Các quy luật cạnh tranh bằng cách đổi mới căn bản ý nghĩa của sự việc) thì vấn đề nói trên chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Theo ông, một trong những thách thức lớn nhất đối với những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, nhất là những người làm việc trong các bộ phận như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, tiếp thị là làm thế nào được các giám đốc cấp cao đồng ý với những ý tưởng của họ.
Nhiều người cảm thấy rằng ý tưởng của họ thường bị giết chết không phải vì chúng không có tiềm năng, mà chỉ vì sếp không hiểu được chúng hay chẳng thèm lắng nghe nhân viên trình bày. Họ cảm thấy rất lo lắng và luôn mơ ước được làm việc cùng các tổng giám đốc điều hành (CEO) như Steve Jobs hay Alberto Alessi, vốn là những người rất mạnh dạn đầu tư cho những ý tưởng đột phá.
Theo Verganti, giải pháp cho vấn đề trên là kéo sếp vào cuộc ngay từ khi ý tưởng mới hình thành. Thực tế cho thấy các giám đốc điều hành cấp cao thành công trong sáng tạo ít khi nào đầu tư cho những ý tưởng đột phá đến một cách bất ngờ.
Cựu giám đốc cấp cao của PortalPlayer - một nhà thầu đã giúp Apple phát triển iPod - chia sẻ: “Điều thú vị về iPod là từ lúc mới còn là ý tưởng ban đầu, nó đã giành được 100% thời gian của Steve Jobs”. Điều này cũng đúng đối với trường hợp của Alessi - một công thiết kế hàng gia dụng nổi tiếng của Ý. Khi một ý tưởng đột phá nảy sinh thì CEO của công ty này là Alberto Alessi sẵn sàng tiếp sức cho ý tưởng đó.
Do vậy, Verganti khuyên rằng hãy tránh những tình huống dâng ý tưởng sáng tạo cho sếp. Kết quả thuyết phục thường lệ thuộc vào những yếu tố khác ngoài bản thân ý tưởng, chẳng hạn cách bạn trình bày hay tâm trạng của sếp lúc nghe bạn trình bày. Hãy tiếp cận với các sếp sớm hơn trong quá trình sáng tạo bằng cách đi theo những bước sau đây:
Tranh thủ sự ủng hộ của sếp để nghiên cứu một vấn đề mới trong kinh doanh. Chẳng hạn, nếu bạn làm việc trong bộ phận R&D của một công ty chế biến thực phẩm, vấn đề mới có thể là sự xuất hiện của những sản phẩm mới tốt hơn cho sức khỏe và tạo ra sự thoải mái hơn cho người tiêu dùng.
Khả năng bạn có được sự ủng hộ của sếp để nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm mới sẽ cao hơn nếu bạn từng bước gợi mở ý tưởng đó khi sếp đang nói về những điều gần gũi với nó. Nói cách khác, nếu bạn đã có một ý tưởng thì đừng vội trình bày nó ra hết trong một lần trao đổi với sếp.
Cùng sếp thiết kế quy trình sáng tạo. Khi đã có sự ủng hộ của sếp về việc đương đầu với vấn đề mới, bạn sẽ phải đi đến thống nhất với sếp về cách đưa ra những ý tưởng để giải quyết vấn đề đó.
Thường xuyên cập nhật thông tin cho sếp. Nên thường xuyên cung cấp cho sếp những thông tin về tiến triển của việc nghiên cứu vấn đề mới, nhưng đừng vội nói về những giải pháp. Thay vào đó, hãy cung cấp thông tin về cách người khác, công ty khác đã và đang giải quyết vấn đề tương tự. Bằng cách này, các sếp sẽ dễ dàng nắm bắt được các giải pháp mới của bạn và còn đánh giá được đúng giá trị của nó.
Lôi kéo các sếp vào việc đưa ra giải pháp. Bằng cách này, bạn không những nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của sếp, mà còn có thể được sếp ủng hộ mạnh mẽ hơn. Lý do là các sếp sẽ có được cảm giác “sở hữu” ý tưởng được đưa ra.
Làm theo trình tự nói trên không có nghĩa là ý tưởng của bạn chắc chắn được chấp nhận, nhưng sếp sẽ hiểu hơn các đề xuất của bạn và ý kiến của bạn sẽ được quan tâm nhiều hơn. Nói tóm lại, nếu bạn đang theo đuổi con đường sáng tạo thì đừng dâng ngay ý tưởng, mà nhẫn nại thực hiện quy trình thuyết phục sếp chấp nhận ý tưởng mới.
Verganti là giáo sư khoa Quản lý sáng tạo của Trường đại học Bách khoa Milano và là một thành viên của Viện nghiên cứu Quản trị châu âu (European Institute for Advanced Studies in Management). Ông từng làm tư vấn cho ban điều hành của nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Ferrari, Ducati, Whirlpool, Xerox, Samsung, Hewlett-Packard, Barilla và Nestlè.


----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét