Thiếu khoa học về sự sáng tạo

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://huc.edu.vn/chi-tiet/296/Thieu-khoa-hoc-ve-su-sang-tao.html
Nhốt tư duy trong lồng kín
Học sinh được dạy phân tích, tổng hợp, suy diễn, được rèn luyện qua những bài tập đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp nhưng thiếu những bài tập yêu cầu sáng tạo ra cái mới, dù chỉ là mới đối với họ.
Ngay ở các kỳ thi toán quốc tế, thí sinh cũng chỉ làm những bài toán khó trong đó người ta cho biết giả thiết và kết luận, thí sinh chỉ phải tìm ra cách suy diễn từ giả thiết ra kết luận. Tư duy của họ giống như một con chim trong lồng, có thể nhảy nhót nhưng không ra khỏi cái lồng kín. Cái lồng đây chính là đề bài. Dĩ nhiên, rèn được óc thông minh cũng tốt và không dễ, nhưng dù sao trong dạy học ngày nay, việc này là chưa đủ.
Thời đại ngày nay đòi hỏi sự sáng tạo ra cái mới. Vậy giáo dục phải làm gì để tạo ra được năng lực sáng tạo ở học sinh? Hiện nay, trong cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cũng còn nhiều nhận thức cảm tính không đúng xung quanh hai chữ "sáng tạo", ví như cho rằng phải dạy thật tốt, học thật tốt, chờ cho học sinh có nhiều kiến thức đã rồi mới dạy sáng tạo, học sáng tạo.
Đành rằng nhiều kiến thức là một thuận lợi cho sự sáng tạo nhưng không nhất thiết người nhiều kiến thức hơn thì sáng tạo hơn người ít kiến thức; thậm chí người mù chữ cũng có thể sáng tạo. Cho nên, một đặc điểm của "sáng tạo" là nó có thể xuất hiện ở những người trình độ học vấn rất khác nhau. Từ trước tới nay, ta chỉ đưa công tác nghiên cứu khoa học vào các trường đại học mà không đưa vào các trường phổ thông.
Tác giả bài này, khi là Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội đã chủ trương sử dụng học sinh phổ thông trung học làm cộng tác viên ở những khâu thích hợp cho các đề tài nghiên cứu khoa học của các trường đại học và đã gặt hái được những thành công. Qua đó thấy nổi lên hai sức mạnh lâu nay bị bỏ phí: một là sức mạnh liên kết bộ ba: Đại học, phổ thông, cuộc sống.
Kích thích sáng tạo
Sự liên kết này khiến cả ba đều có lợi vì thứ nhất đại học được nối thêm tay, thêm óc của đông đảo học sinh phổ thông; phổ thông được tiếp xúc với một hình thức học rất tiến bộ có tác dụng nhiều trong việc rèn luyện tác phong công nghiệp và tư duy sáng tạo; cuộc sống có thêm lực lượng học sinh để chuyển giao công nghệ từ một cơ quan khoa học;
Thứ hai là kích thích "tâm lý thích sáng tạo" của con người. Ngẫm ra, đã là con người thì ai cũng chán khi phải kéo dài mãi một việc mà không hề có đổi mới gì cả; các cháu ở vườn trẻ cũng đã bộc lộ rõ tâm lý đó. Cho các cháu một đồ chơi dù hay, dù đẹp đến mấy, chơi mãi rồi cũng chán. Khi đó các cháu sẽ bày ra những đồ chơi, cách chơi do các cháu tự nghĩ ra. Ngày nay, nhiều người nói đến việc học sinh bỏ học, chán học, không hứng thú học và chỉ ra nhiều nguyên nhân nhưng hay quên nguyên nhân cốt lõi là coi thường tâm lý "thích sáng tạo" của học sinh, chỉ lo nhồi nhét kiến thức.
Sức ỳ tâm lý là trở ngại của phát triển
Sáng tạo thì vô cùng: Người người sáng tạo, ngành ngành sáng tạo, nghề nghề sáng tạo. Đại dương sáng tạo thật là mênh mông. May thay đã có cái la bàn kỳ diệu là quy luật của phép biện chứng. Sáng tạo là một sự vận động từ cái cũ đến một cái mới tiến bộ hơn.
Mọi phát minh, sáng chế đều bắt đầu từ chỗ phát hiện ra một vấn đề. Nhiều giáo viên đồng nhất việc đổi mới cách dạy với việc giảng dạy nêu vấn đề. Đó là một sự tiến bộ so với giảng dạy áp đặt, nhồi nhét, nhưng vẫn là một sự hạn chế vì học sinh vẫn thụ động ngồi chờ thầy nêu vấn đề cho. Sức ỳ tâm lý là một trở ngại cho việc phát hiện vấn đề. Ngày nay, người ta có nhiều cách để chống sức ỳ tâm lý nhưng chưa có cách nào xuất hiện trong nhà trường chúng ta.
Vậy, phải xây dựng được một khoa học về sáng tạo để chỉ đạo việc dạy và học sáng tạo. Muốn vậy phải có một sự nhất trí cao và một quyết tâm lớn để xây dựng nên một lộ trình từng bước thích hợp. Không thể vội vã nhưng phải nhanh chân vào cuộc, đừng chần chừ, nấn ná như trước đây đối với tin học.
Cần dũng cảm phá bỏ "chậu cảnh"
Mỗi học sinh của chúng ta như một cây đa con. Nếu đem trồng nó ra ngoài trời thì nó có thể trở thành cây đại thụ, nhưng nếu đem nó trồng vào một chậu cảnh thì nó sẽ chỉ là cây cảnh. Chính cái chậu cảnh đã ngăn không cho nó trở thành cây đại thụ. Cách dạy truyền thụ một chiều, nhồi nhét chính là những chậu cảnh.
Nên phá các chậu cảnh bằng cách tốt nhất là đưa sáng tạo vào các trường học một cách bài bản, khoa học. Xét về mặt chiến lược, thì đó là cách tận dụng sở trường, né tránh sở đoản của ta. Sở trường của chúng ta là óc thông minh (học sinh ta đi thi quốc tế đạt được những kết quả vẻ vang). Sở đoản của chúng ta là còn nghèo, chọn "sáng tạo" thì đỡ tốn rất nhiều kinh phí, trang thiết bị.
GS-VS Nguyễn Cảnh Toàn



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét