Tính linh hoạt tạo đà cho sáng tạo và đổi mới

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://www.baomoi.com/Tinh-linh-hoat-tao-da-cho-sang-tao-va-doi-moi/45/9522059.epi
Doanh nghiệp nhỏ vốn phát triển năng động và dễ thích nghi trong các tình thế khác biệt mà Chính phủ không cần can thiệp nhiều. Một khi giảm thiểu những thủ tục, chi phí có nghĩa là cởi trói để họ dành thời gian và công sức chăm chút cho sản phẩm và khách hàng, sáng tạo và đổi mới doanh nghiệp phục vụ cho nền kinh tế. Doanh nhân: hạt sáng tạo cần môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng
LTS: 600.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2015 là một mục tiêu của kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2011 – 2015. Các mục tiêu như vậy đặt trong tổng thể Nghị quyết về doanh nhân của Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2011 để thấy doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đang trông đợi môi trường pháp lý thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng để họ gieo mầm sáng tạo như một cách đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh. Trong đường hướng đó, có tạo được liên kết từng cụm ngành, phát triển công nghiệp phụ trợ hay không phụ thuộc vào vai trò nòng cốt, mà thời gian qua, là các doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nhỏ.
Công ty Phan Sinh – một doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ chuyên về các sản phẩm xi mạ crôm, niken với 80% cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam… Giám đốc Trần Ngọc Phương Hằng cho biết Phan Sinh phát triển được như hiện nay là nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ. Dù lâu nay Nhà nước có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng công ty chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào từ thuế thu nhập, lãi vay ngân hàng, tiền thuê đất hay nhà xưởng… “Hiện Phan Sinh chuẩn bị tăng quy mô để đáp ứng nhu cầu tăng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam. Chúng tôi không cần cấp vốn ngân sách mà cần các chính sách rõ ràng, để xác định được hướng phát triển ra sao”.
Hệ thống trợ giúp mỏng và yếu.
Ông Hiroyuki Mizonoe, thuộc dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ – cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết một doanh nghiệp nhỏ của Nhật tham gia cung ứng được sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn ngay trong nước cũng phải mất đến 10 – 15 năm phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam phải cần nhiều hơn, nếu chính sách về ngành công nghiệp và môi trường kinh doanh không hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mạnh mẽ hơn. “Những điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam ở vị trí cạnh tranh ngặt nghèo trong ngành công nghiệp hỗ trợ và đến nay chưa bứt ra khỏi các nước lân cận”.
BTM, một công ty hiếm hoi thành công từ vườn ươm tạo doanh nghiệp, đến nay cung ứng phần mềm quản lý bán lẻ, hệ thống ERP cho nhiều khách hàng lớn ở thị trường Mỹ như Nexcom, Gander Moutain, Deckers, Scheels, Forsythe… Theo ông Đỗ Thành Nhơn, giám đốc điều hành, năm 2011 BTM kết thúc hoạt động theo mô hình vườn ươm và muốn thành đối tác của nhà ươm tạo SBI để hỗ trợ doanh nghiệp mới. Việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với những ưu đãi thủ tục và giá cả, hạ tầng… nhưng chính sách không rõ ràng lại thiếu tính tổ chức, khả năng kết nối yếu làm cho các mô hình này không phát huy hiệu quả. “Kinh nghiệm phát triển sản phẩm còn yếu, thiếu các kinh nghiệm về ngành và khả năng marketing – là các yếu tố họ cần hỗ trợ”, ông Nhơn chia sẻ kinh nghiệm.
Theo kế hoạch tổng thể phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015 vừa được chính phủ thông qua là nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này với mục tiêu trong giai đoạn 2011 – 2015 nâng tổng số DNNVV lên 600.000 so với con số 350.000 hiện nay; khối doanh nghiệp này đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo thêm khoảng 4 triệu việc làm. Nhưng vấn đề các chuyên gia nêu ra là liệu hệ thống trợ giúp mỏng và yếu như lâu nay có được cải thiện nhằm tăng khả năng tiếp cận công bằng về pháp lý, tài chính tín dụng; hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản trị.
Cởi trói để doanh nghiệp dồn sức cho sáng tạo.
Các chuyên gia kinh tế lý giải: những doanh nghiệp nhỏ chính là nhóm ứng phó linh hoạt và kịp thời trước các nhu cầu thay đổi của thị trường. Kỳ vọng phát triển của họ cũng tạo ra xu hướng sáng tạo và đổi mới liên tục. Họ không chỉ là chất xúc tác thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn là khởi nguồn cho những doanh nghiệp lớn trong các nền kinh tế. Nếu như những doanh nghiệp lớn có lợi ích cạnh tranh rõ ràng thì doanh nghiệp nhỏ dễ dàng thiết lập các quan hệ liên kết giúp toàn ngành có thể vươn lên. Ở khía cạnh nhân văn, các doanh nghiệp nhỏ là điểm đến làm giảm thiểu các biến động về lao động, tạo công ăn việc làm cho những đối tượng ít có cơ hội trong xã hội như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, những người chưa được đào tạo cơ bản…
Theo TS Alan Phan, DNNVV hay khối doanh nghiệp tư nhân là động lực của sự sáng tạo, họ vốn không cần nhiều sự trợ giúp về quyền lợi. Vấn đề là phải thay đổi cách thức và cơ chế quản lý, dẹp bớt những thủ tục hành chính, giảm thiểu những chi phí, lệ phí chính là cách giúp doanh nghiệp giảm giá thành và tăng khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp nhỏ phần lớn phát triển năng động và dễ thích nghi trong các tình thế khác biệt mà Chính phủ không cần can thiệp nhiều. “Một khi giảm thiểu chi phí có nghĩa là cởi trói để họ không mất nhiều thời gian quan hệ, chăm chú vào sản phẩm và khách hàng, tư duy cho đổi mới và sáng tạo”.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, tổng giám đốc trung tâm công nghệ và đổi mới TIC, chỉ tính riêng trong ngành công nghệ thông tin, mỗi năm có hàng ngàn công ty khởi nghiệp nhưng không mấy công ty thành công ở nước ngoài. Cũng chưa có nhiều trường hợp mua bán, sáp nhập hay IPO quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thời gian qua. Các công ty cần môi trường phát triển và sáng tạo chứ không phải hỗ trợ như miễn thuế vì chưa có doanh thu kiếm đâu ra thuế. Nếu không thúc đẩy sáng tạo, sẽ vẫn cứ tạo ra lực lượng lao động giá trị thấp trong các dây chuyền công nghiệp, Nhà nước phải xây dựng đường sá, hạ tầng, tạo chính sách thu hút đầu tư mà lại không có được nền sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Ông Hải ví dụ, ở Úc một doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp với vốn 1.000 USD thì chính phủ bỏ vào 1.000 USD. Điều này cho thấy các công ty khởi nghiệp cần các động lực kinh doanh, cần môi trường tương tác chia sẻ, giúp họ đứng được trong các điều kiện thay đổi của môi trường kinh doanh. Theo TS Alan Phan, cần quan niệm rằng “hỗ trợ” doanh nghiệp chứ không phải “cứu trợ” vì điều này không tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Chúng ta có thể học cách của Mỹ hay Úc là thành lập các tổ chức khuyến khích các chuyên gia về hưu giàu kinh nghiệm cố vấn cho doanh nghiệp về các kỹ năng cạnh tranh. Hay cách của Đài Loan, Hàn Quốc là các cơ quan xúc tiến thương mại hỗ trợ họ tiếp cận thị trường, đối tác, nguồn vốn.
Có lúc chúng ta cảm giác doanh nghiệp “khởi nghiệp bầy đàn” trong các chu kỳ kinh tế như sau giai đoạn đổi mới, sau WTO…; khi nền kinh tế khó khăn, người ta lại cảm nhận sự mất nhuệ khí của DNNVV. “Nhưng chỉ cần có cơ hội là làn sóng khởi nghiệp lại diễn ra và thị trường quyết định sự thành bại. Tính linh hoạt của doanh nghiệp nhỏ giúp họ giảm rủi ro và luôn sẵn sàng tham gia tích cực vào nền kinh tế nếu sự hỗ trợ của Nhà nước đúng cách”, TS Alan Phan khẳng định.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét