Sáng tạo đường cong kinh nghiệm

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://www.diaocniemtin.com/2011/09/sang-tao-uong-cong-kinh-nghiem.html
Nếu như trước đây chúng ta đã nói rằng sáng tạo cần tới sự khát khao trong " khoảng thời gian đủ dài và nỗ lực đủ lớn," thì bây giờ lại cần nói tiếp về việc bằng cách nào thời gian và nỗ lực ấy giúp các cá nhân tạo ra sự sáng tạo thực sự. Điều gì hạn chế sáng tạo mới mẻ đột phá hơn nữa xảy ra, sau khi đã có những kết quả ban đầu khích lệ?
Cục bộ và toàn bộ.
Thú thực, tôi không rõ lắm các lý thuyết về sáng tạo người ta nói gì. Nhưng có nhiều lần chúng tôi tiến hành những phép thử rất thực tế. Các kết quả thu được khá nhiều tính gợi ý. Việc đầu tiên phải nói là luật về đường cong kinh nghiệm cục bộ.
Điều này không quá khó hiểu, được phát biểu như sau: Khi ta làm một việc nhiều lần, tập trung, liên tục và suy nghĩ tốt về nó, hiệu suất và kết quả sẽ tốt hơn. Sử dụng từ khóa "learning curve" hay "experience curve" tra cứu Google hay Yahoo!Search, đảm bảo các bạn sẽ không thất vọng.
Trước tiên, khi làm nhiều lần một việc, kỹ năng, sự khéo léo, năng lực tối ưu hóa hành vi cho công việc ấy cải thiện nhanh chóng. Hình ảnh dễ nhất là một người thợ trong dây chuyền may công nghiệp. Ban đầu sự khéo léo và khả năng quan sát có hạn, do chưa quen, do chưa thể tự tổ chức thao tác tốt nhất, do chưa chịu được sức ép sản xuất công nghiệp. Qua thời gian sẽ tốt lên. Ngay với một người đã có kỹ năng và hiệu suất đã khá ổn định thì ngay trong cùng một ngày, lúc tập trung và sau khởi động, thì chính họ cũng làm tốt hơn họ trước đó vào cái giờ khởi động uể oải. Các vận động viên điền kinh hay bơi lội thường được yêu cầu thực hiện các động tác khởi động lâu và kỹ. Trong võ học, người ta cũng thường nói tới tạo ra sự hưng phấn sau khi cảm thấy mệt mỏi lần đầu. Người mới học võ cũng hay bị "vỡ cơ," nhưng sau này bền bỉ luyện tập, họ có cơ bắp dẻo dai, bền chắc... Đại loại là thế.
Sáng tạo cũng như vậy. Người viết báo sẽ khó khăn nhất lúc khởi động bài viết, lúc bắt đầu hình thành và nhen nhóm những ý tưởng. Càng viết tiếp, các ý tưởng liên quan, có tính chất trợ giúp hay mở rộng... sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Tới cuối bài viết, thậm chí người ta phải bỏ bớt những cái đưa ra ban đầu, do có khả năng lựa chọn từ nhiều cái mới hay hơn, phù hợp hơn. Đó là sự sáng tạo khá "cục bộ." Tương tự thế, lúc làm đào tạo, chúng tôi thử khoảng hơn chục bài toán xếp hình với các que diêm, vốn như là một trò chơi trẻ em vậy. Những bài ban đầu dễ, nhưng việc thiếu tập trung và cảm giác "trẻ con" khiến những người lớn lúng túng. Bài dễ cũng lúng túng. Với một áp lực hoàn thành trong các khoảng thời gian ngắn, càng sau làm càng tốt, và việc những bài khó nhằn nhất lại có nhiều đáp án sáng tạo nhất. Thời gian để xử lý vẫn chỉ như bài dễ nhất. Bài dễ làm mãi không xong. Bài khó làm thoắt cái thì xong. Vẫn là con người đó, chỉ cách nhau 30 phút -- và, chớ bỏ qua cái "và" quan trọng này, sự tập trung suy nghĩ cao độ.
Còn sáng tạo toàn cục? Đây chỉ là khái niệm tưởng tượng, vì vậy có thể nó chưa phù hợp lắm. Nhưng tôi nhận thấy rằng mỗi con người có khả năng liên kết rất nhiều thứ "tưởng chừng không có liên hệ." Thực ra, đối với các vấn đề tự nhiên và xã hội, có nhiều mối liên hệ có sẵn, nhưng chúng ta chưa có dịp tìm hiểu hay xét kỹ mà thôi.
Người được xem là thông thái trong xã hội là những người có khả năng liên kết những hiện tượng, những hiểu biết tưởng chừng không liên hệ gì với nhau, trong một không-thời gian và hệ ý tưởng nhất định, nhằm tạo ra những hiểu biết có ích lợi cho người khác; điều mà không phải lúc nào cũng được coi là hiển nhiên.
Quay trở lại với khái niệm sáng tạo: Các ý tưởng mới hay các kết hợp mới có giá trị, ích lợi, trong các không-thời gian phù hợp, được bồi đắp bởi tính khả thi thương mại, chúng sẽ trở thành tính sáng tạo thương mại.
iPod là ví dụ của ý tưởng "âm nhạc di chuyển" vốn có từ Walkman, nhưng có cấu trúc mới của Internet, sự thích thú download, kết hợp thương mại với website bài hát giá rẻ, và một không-thời gian ngự trị bởi Internet, chiếm lĩnh bởi những con người sống không thể thiếu Internet. Đây là một ví dụ về sự sáng tạo toàn cục, mà chỉ có cách làm việc miệt mài, gộp hàng trăm đường cong kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu R&D, kinh doanh, thời trang... chúng ta mới thấy xuất hiện. Tính toàn cục hiển nhiên đẩy tới lợi ích và không-thời gian ý tưởng sáng tạo của iPhone. iPhone sáng tạo và hấp dẫn, nhưng không đầy bất ngờ như iPod. iPhone là sự mở rộng không gian sáng tạo toàn cục và kéo dài những đường cong kinh nghiệm của tập thể Apple và những đội ngũ cộng sự liên quan.
Không phải ngẫu nhiên mà xu hướng đan xen ngành của khoa học hiện đại rõ rệt, lan tỏa hơn bao giờ hết như hiện nay. Thiết nghĩ đó cũng chính là việc mở rộng không gian "kết nối" cho các đường cong kinh nghiệm của nhiều lĩnh vực, vốn dĩ đã có sự liên kết, nhưng chưa được khám phá triệt để. Những ngành có tính chất biên giới như vật lý-toán, sinh hóa, y sinh, kinh tế lượng... lần lượt ra đời. Nhưng những ngành đan xen rộng rãi hơn vẫn tiếp tục đẩy quá trình này ra xa nữa. Còn trong kinh doanh thì các tư tưởng sáng tạo để sinh ra giá trị mới, thiết nghĩ đã ra đời từ lâu lắm. Chiến tranh, khan hiếm lương thực, nghèo đói, khó vận chuyển có khi lại là nguyên liệu cho sự thịnh vượng của một tập đoàn phân phối hàng hóa, chỉ nhờ sự kết dính rất "sáng tạo": phục vụ nhu cầu trong khoảng không-thời gian tạo ra nhiều giá trị nhất, nghĩa là nơi thiếu thốn nhất, và vào lúc khó khăn nhất. Nhiều tập đoàn kinh doanh hàng hóa châu Âu đã lớn lên và giàu có nhờ điều này.
Dường như tôi tin tưởng có một quá trình interconnecting các vùng tư duy khác nhau, vốn tưởng như khá biệt lập của bộ não mỗi con người, để tạo ra những sáng tạo có tính toàn bộ, chí ít là mở rộng hơn rất nhiều so với cục bộ.
Phía cuối đường cong kinh nghiệm.
Nhưng không lẽ đường cong kinh nghiệm, với những áp lực cho ra kết quả tốt hơn và cuối cùng là những thành tựu rõ rệt chỉ toàn thứ tốt? Cũng không hẳn, đường cong kinh nghiệm sẽ sinh ra kinh nghiệm. Nhà bác học Albert Einstein có ám chỉ rằng kinh nghiệm là nguồn duy nhất cho ta kiến thức. Nhưng bản thân kinh nghiệm tạo ra chủ nghĩa kinh nghiệm và bản thân kiến thức, khi cũ đi và rời xa khỏi không-thời gian hữu ích trở thành những định kiến. Điều này khiến cho các phát kiến quan trọng của Einstein về vật lý hiện đại bị gọi là "quỷ dữ" bởi những người níu kéo cơ học cổ điển. Bản thân Maxwell, nhà vật lý lỗi lạc, cũng cố gắng bác bỏ những kết quả của mình khi thấy nó không phù hợp với các kinh nghiệm của vật lý Newton.
Phía cuối đường cong kinh nghiệm chính là một hệ thống các quy tắc và mối liên hệ "đã định hình" vừa góp phần tạo ra một hệ thống giải thích hợp lý và có ích cho kiến thức hiện tại (đương đại) nhưng cũng góp phần tạo ra các định kiến rất khó sửa đổi. Phải chăng đó cũng là một chu kỳ vận động của đường cong kinh nghiệm, trước khi nó tắt lịm? Có thể chúng ta không (hoặc chưa) có câu trả lời đích xác cho điều này, nhưng chúng ta cũng biết là ở cuối đường cong kinh nghiệm của chính mình, những đột phá sáng tạo rất cần thiết, bất luận trước đó chúng ta đã nỗ lực sáng tạo ra sao.
Không thiếu những doanh nghiệp là tượng đài sáng tạo của 50 năm trước, khiến cả thế giới bái phục, lại lâm vào cảnh không thể có một sáng tạo nào đáng kể trong hiện tại. Có lẽ họ nằm ở cuối đường cong kinh nghiệm và cần sự bứt phá.
GS. Napier có đưa ý kiến về kỷ luật sáng tạo, hay sáng tạo chính là một quá trình kỷ luật, tôi nghĩ nó cũng khá gần gũi với những gì bài viết này trình bày. Để có sự bứt phá ấy, một chu trình ý tưởng, giá trị, không thời gian, và tính khả thi thương mại mới lại phải bắt đầu khởi động.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét