Hoạch định đổi mới sáng tạo và nền kinh tế công nghệ

Người đăng: nhung dieu hay on Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://www.baomoi.com/Hoach-dinh-Doi-moiSang-tao-va-nen-kinh-te-cong-nghe/53/7612027.epi
Để hiệu quả, đổi mới sáng tạo về công nghệ phải được hoạch định dựa trên điều kiện cụ thể của từng nước, từng giai đoạn. Dưới đây là một số việc cần làm cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, đưa doanh nghiệp (phi nhà nước) đóng vai trò chính trong quá trình đổi mới sáng tạo công nghệ. Doanh nghiệp là nơi quan tâm nhất đến đổi mới công nghệ để gia tăng lợi nhuận. Việc mua sắm, sử dụng công nghệ có quan hệ trực tiếp nhất tới lợi ích của họ. Doanh nghiệp sẽ trở thành nhà tài trợ, nhà đầu tư lớn nhất cho đổi mới sáng tạo công nghệ và cũng là người thụ hưởng lớn nhất. Nói cách khác: Doanh nghiệp là người “nuôi’ công nghệ và cũng là người gặt hái từ công nghệ. Việc xây dựng chính sách, chiến lược đổi mới sáng tạo chủ yếu là phục vụ cho doanh nghiệp chứ không phải các tổ chức KH-CN nhà nước. Nhưng cái khó là: cơ quan làm chính sách ít biết về kinh doanh nên làm chính sách không đắc dụng cho doanh nghiệp. Khó nữa là: nhà nước phải chuyển từ vai “chỉ đạo” sang vai “phục vụ” cho doanh nghiệp.
Việc xây dựng chính sách, chiến lược đổi mới sáng tạo chủ yếu là phục vụ cho doanh nghiệp chứ không phải các tổ chức KH-CN nhà nước.
Thứ hai, đưa tất cả các mối liên kết, các cơ chế liên quan đến công nghệ theo thông lệ của thị trường. Các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo cho thấy: điều chỉnh quan hệ, cách thức tương tác với nhau giữa các tổ chức cũng quan trọng không kém việc điều chỉnh bản thân các tổ chức. Các mối liên kết, các quan hệ liên quan đến công nghệ ở nước ta xưa nay chủ yếu do nhà nước thiết lập nên, mang nặng tính duy ý chí của nhà quản lý, tạo ra một môi trường “nhân tạo”, ít mang tính thực tế. Môi trường nhân tạo này không phản ứng kịp với thị trường, ngày càng kìm hãm kinh doanh, sự sáng tạo. Trong một nền kinh tế thị trường và bối cảnh toàn cầu hóa càng phát triển, các định chế về quan hệ cùng cách quản lý kiểu cũ này sẽ càng ít hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, mà ngược lại, càng trở nên cồng kềnh, kìm hãm sự phát triển của công nghệ và không tương thích với các thông lệ quốc tế về phát triển công nghệ.
Cái “cây” công nghệ, hay đổi mới sáng tạo công nghệ, ngày càng khó phát triển trên môi trường sống nhân tạo, xa rời thực tế này. Vì vậy, chỉ nên tiếp tục tiến hành các chương trình, dự án công nghệ sau khi các mối quan hệ, các cơ chế liên quan đến công nghệ đã mang tính thị trường. Nói cách khác, chỉ nên “bón” cho “cái cây” công nghệ sau khi nó đã được “bứng” sang môi trường sống tự nhiên phù hợp, cho dù ban đầu có vẻ còn “khô cằn” hơn môi trường “nhân tạo” vì thiếu sự bao cấp. Khi cái cây công nghệ đã được đặt đúng vào môi trường tự nhiên của nó thì nó sẽ tự bắt rễ, trao đổi chất, tương tác với môi trường và phát triển một cách tự nhiên, ít (hay không) cần can thiệp của nhà quản lý.
Chỉ nên tiếp tục tiến hành các chương trình, dự án công nghệ sau khi các mối quan hệ, các cơ chế liên quan đến công nghệ đã mang tính thị trường
Thứ ba, phải phù hợp với ngoại cảnh (hay các điều kiện bên ngoài). Ta còn hoạch định dựa quá nhiều vào ý muốn chủ quan, trong khi tiềm lực quốc gia khoa học công nghệ nội địa càng yếu thì càng cần phải thích nghi, đáp ứng với bên ngoài. Chỉ dựa vào sức mình thì không thể làm trọn vẹn một chuỗi giá trị của một công nghệ nào mang tính cạnh tranh khu vực hay toàn cầu. Ngày nay, những sản phẩm cạnh tranh nhất được cấu thành bởi các công đoạn tốt nhất được chọn ra ở các nước khác nhau. Quá trình sản xuất ngày càng được “xé” nhỏ ra hơn để có thể thuê khoán được các nhà cung ứng chuyên môn hóa cao hơn.
Nhận biết rõ ngoại cảnh khi hành động mới có thể giúp chúng ta tận dụng được các cơ hội. Thành công của các nước mới công nghiệp hóa như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đều nhờ quan sát bên ngoài và hoạch định chính xác các bước để hòa vào thị trường thế giới. Về công nghệ, nhận biết bên ngoài là nắm được các chu kỳ công nghệ, các xu hướng công nghệ, các cách mạng hay đột phá công nghệ, các “đứt đoạn” (discontinuities) về công nghệ, các chuỗi cung ứng của từng công nghệ, các rào cản của từng thị trường công nghệ, quy luật của dòng chuyển giao công nghệ, các đóng-mở của các cơ hội cửa sổ,…
Xu hướng của toàn cầu hóa là các nền kinh tế nhỏ sẽ không tồn tại như những thực thể độc lập vì những lĩnh vực cạnh tranh nhất của nó sẽ gắn với các chuỗi cung ứng bên ngoài của các công ty đa quốc gia
Nếu tính kỹ các yếu tố trên, ta sẽ nhận ra các giới hạn của mình và thấy rằng: cánh cửa để đi tới vô cùng hẹp. Qua đó, ta sẽ lọc ra được khá nhiều những công nghệ không nên đầu tư vào vì không phù hợp với các điều kiện khách quan cũng như khả năng của mình, tránh được tình trạng hoạch định dựa theo ý muốn chủ quan gây phung phí nguồn lực cố làm cái ta không thể làm được.
Thứ tư, Chương trình đổi mới sáng tạo hiệu quả nhất là do nhà nước hoạch định (mô hình Từ-Trên-Xuống, top-down). Nhà nước cần hoạch định, điều phối chương trình đổi mới sáng tạo vì một số lý do sau. Thứ nhất, nhà nước thích hợp với việc làm những nghiên cứu mang tính quản lý tổng hợp, mang tính liên ngành cao và mới có chức năng điều chỉnh các mối liên hệ giữa các định chế, bên tham gia trong đổi mới sáng tạo. Thứ hai, nhà nước hoạch định đổi mới sáng tạo thì mới mang lại được những dột phá, những thay đổi cơ cấu lớn, những chương trình kinh tế-xã hội mang tính cách mạng cho đất nước, như công nghiệp hóa, nâng nền kinh tế lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị, hội nhập vào các chuỗi cung ứng bên ngoài, vv.
Tuy nhiên, cái khó là nhà nước chưa quen với việc tạo ra thị trường, đặc biệt là thị trường công nghệ với các mối liên kết đa ngành và rất chuyên môn của nó. Nếu do những hạn chế này hoặc vì lý do nào đó mà nhà nước không đứng ra điều hành đổi mới sáng tạo theo hướng Từ-Trên-Xuống, thì quá trình này vẫn nên được tạo điều kiện phát triển theo hướng từ-dưới-lên (bottom-up) để đem tri thức, cách kinh doanh hiệu quả đến các tế bào của nền kinh tế.
Thứ năm, bên cạnh đổi mới sáng tạo cho lĩnh vực nội địa, cần có hệ thống đổi mới sáng tạo mở. Hai hệ thống này khá tách biệt nhau. Một là cho nội địa. Hai là cho hợp tác với bên ngoài, tức gắn kết với các chuỗi cung ứng bên ngoài. Đối với hệ thống một, ta tìm các yếu tố bên ngoài để “lắp” vào chuỗi cung ứng ta cần và của ta. Đối với hệ thống hai, ta tìm những “công đoạn” trong nước làm tốt để “lắp” vào chuỗi cung ứng bên ngoài.
Ngành công nghiệp phần mềm của Việt nam hay của Ấn Độ, là một ví dụ điển hình cho việc gắn kết hiệu quả với các chuỗi cung ứng bên ngoài. Một số lĩnh vực hay công đoạn của các nước đang phát triển, ngay cả trong khoa học-công nghệ-sáng tạo, nếu gắn vào chuỗi cung ứng bên ngoài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn giữ lại trong nước.
Xu hướng của toàn cầu hóa là các nền kinh tế nhỏ sẽ không tồn tại như những thực thể độc lập vì những lĩnh vực cạnh tranh nhất của nó sẽ gắn với các chuỗi cung ứng bên ngoài của các công ty đa quốc gia. Việc các công ty đa quốc gia thâu tóm các công đoạn của các nước chậm phát triển là một điều tất yếu. Ta cạnh tranh được ở một số công đoạn nhất định trong chuỗi giá trị liên quan đến công nghệ như phần mềm, nội dung số, sinh-tin (Bio-Informatics), nano, thiết kế chip, vv. Không phát triển các lĩnh vực này thành những “ngành kinh tế Công Nghệ” thì sẽ lãng phí một nguồn lực lớn.
Những ngành kinh tế công nghệ này khá độc lập, ít liên kết với nội địa mà thường gắn vào các chuỗi cung ứng bên ngoài, gắn với Thị-Trường Tri-Thức, và là một cấu phần trong nền Kinh tế Tri thức Việt Nam. Chúng phân công lao động chất xám ở bất cứ đâu mà nó sinh lợi nhiều nhất.
Nhưng để sự phân công lao động này xảy ra, cũng như để có một nền Kinh tế Tri thức, trước hết cần có một thị trường nhân công có trình độ phù hợp. Vì vậy, nếu chúng ta thấy rằng làm phần mềm hiệu quả hơn làm nông nghiệp, thì việc đào tạo, chuyển dần người làm nông nghiệp sang làm phần mềm (hay những ngành có giá trị gia tăng cao hơn nông nghiệp) cần phải là một nội dung chính của chương trình phát triển kinh tế theo hướng đổi mới công nghệ. Cần thấy rằng: tư duy cố hữu rằng “Việt nam là nước nông nghiệp” là cái “chấp” lớn mà ta tự tạo ra cho mình và đang che tầm nhìn phát triển quốc gia.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét