Học làm... nông dân ở Israel

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://www.baomoi.com/Hoc-lam-nong-dan-o-Israel/45/4808491.epi
Những cô cử, cậu cử trình độ ĐH, CĐ về nông - lâm ở một đất nước nông nghiệp là Việt Nam đã phải ngỡ ngàng, thán phục trước một nền nông nghiệp hiện đại ở một đất nước bán sa mạc: Israel. Chuyên gia Israel giới thiệu về các quy trình trồng hoa trên cát cho cán bộ VN
“Làm nông dân không dễ”.
Sau 9 tháng “tu nghiệp” ở Israel, Vũ Xuân Trường (SN 1985, quê ở Yên Lạc, Na Rì, Bắc Kạn), cựu sinh viên ĐH Nông lâm Thái Nguyên đã thốt lên câu nói đó. Ngày đầu tiên đặt chân lên sa mạc cát cháy, trong cái nắng nóng tới 460C ở khu Haraval (vùng Arava), cách biển Chết 16km, Trường không thể tưởng tượng được người dân nơi đây có thể gây dựng được những trang trại rau, hoa xanh tốt.
Đi Israel theo dạng tu nghiệp sinh (TNS), 1 tuần Trường có 5 ngày thực tập (có lương) tại trang trại, 1 ngày học tập tại trung tâm nghiên cứu. Trang trại Trường làm việc là một trang trại hoa. Trường cho biết: “Trang trại này chuyên trồng hoa hibicus, là một loài hoa màu đỏ, vị hơi chua chua. Hoa ở Israel có đặc điểm là đẹp rực rỡ nhưng không có mùi thơm nồng nàn như các loài hoa ở Việt Nam.
Em ấn tượng nhất là cách chủ trang trại chọn giống hoa: Ví dụ như cả trang trại hoa hibicus toàn màu đỏ, có 1 cây hoa tự dưng đột biến gen chuyển màu đen. Chủ chọn cây ấy làm giống để nhân ra trồng năm sau. Vì vậy, các mặt hàng của họ rất độc đáo, xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ”.
Với chàng tân cử nhân Nguyễn Văn Thanh (tốt nghiệp khoa Nông Lâm, ĐH Vinh, quê ở Nghệ An), 9 tháng “học làm nông dân ở Israel”, Thanh ấn tượng nhất là phong cách quản lý của chủ trang trại: “Họ cực kỳ thực dụng, làm ra làm, chơi ra chơi. Những ngày vào vụ thu hoạch, bọn em làm 14 tiếng/ngày”.
Trang trại Thanh làm việc chuyên trồng cà chua bằng công nghệ sinh học. Ban đầu mới sang, Thanh vô cùng ngạc nhiên về giống cà chua này: “Đó là giống cà chua đẻ vô hạn, thời gian thu hoạch kéo dài tới 6 tháng”. Giống cà chua này thân dài tới... vô tận được cuốn quanh từng cọc, chạy dọc theo luống cây. Dọc theo thân là những chùm cà chua sai lúc lỉu, cho thu hái liên tục.
Thanh nói: “Chủ trang trại quản lý tất cả lĩnh vực từ công nhân tới kỹ thuật và làm công tác thị trường. Ở đây, các trang trại làm việc trực tiếp với công ty xuất khẩu nông sản hoặc mở gian hàng điện tử trên E-bay. Họ đảm bảo 100% các điều kiện của khách hàng về chất lượng, bảo quản...”.
Học từ sự khác biệt.
Trường, Thanh là 2 trong số gần 500 tân cử nhân ngành Nông, Lâm, Thủy lợi đi Israel dạng TNS (vừa học vừa làm). Đây là Chương trình hợp tác giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Bộ NN Israel trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ nông lâm Việt Nam, thực hiện từ năm 2006.
Ông Lê Xuân Luyện - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và Hợp tác lao động – OLECO (thuộc Bộ NN&PTNT), đơn vị thực hiện chương trình cho biết: “Phía bạn đánh giá cao về năng lực học tập và kỹ năng của TNS VN, vì vậy, số lượng TNS phía bạn nhận tăng lên nhanh chóng. Những năm tới, dự kiến của chúng tôi là đưa khoảng 500-1.000 học sinh, cử nhân ngành nông nghiệp đi”.
Israel là đất nước có diện tích 28.000km2; dân số hơn 7 triệu người, trong đó 80% là người Do Thái, 18% là người Ả rập. Israel có 3 tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo.
Anh Nguyễn Phú Toản - Trưởng Phòng XKLĐ- người trực tiếp tuyển TNS chia sẻ, rất nhiều bạn trẻ khi về nước ấn tượng với 2 điểm khá đặc biệt ở Israel. Điểm đầu tiên Israel có 2 mô hình sản xuất là Kibbutz và Moshav với hình thức gần giống như HTX ở VN nhưng Kibbutz là một dạng HTX mang tính chất cộng đồng, mọi thứ đều là của chung. Còn Moshav là tập hợp các trang trại tư nhân có sự điều hành của HTX.
Cả hai hình thức này có điểm chung là sản xuất quy mô lớn, có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật tưới tiêu, phòng trừ dịch hại. Một điểm khá ấn tượng nữa là Israel “vô địch” về sử dụng thiên địch có ích trong nhà lưới. Đất nước này có nhà máy sản xuất Biobee- ong sinh học để cung cấp các tổ ong thương mại cho các trang trại thụ phấn cho cây trong nhà kính. Ngoài ra, các nhà máy này còn sản xuất các sản phẩm côn trùng có ích như Ong mắt đỏ, Nhện bắt mồi, Ruồi đục quả khử tính đực...
Ngoài học tại các trung tâm nghiên cứu, thực tế tại trang trại, các TNS còn “học” thông qua đi... du lịch. Ông Lê Xuân Luyện cho biết, 9 tháng ở Israel, TNS được đi 4 tour du lịch tới các địa điểm rất nổi tiếng là biển Đỏ, biển Chết, thành Jerusalem và 1 tour đi vòng quanh Israel.
Sử dụng “sàng khôn”.
Có lẽ, một điểm hấp dẫn của chương trình này là thu nhập. Khảo sát của NTNN ngẫu nhiên 10 TNS đi Israel từ tháng 9-2009 về nước tháng 7-2010 thì sau 9 tháng làm việc, các em “dắt lưng” được khoảng 100-130 triệu đồng tiền vốn.
Theo đánh giá của Cục Quản lý LĐ ngoài nước, các TNS đã góp phần xây dựng hình ảnh tốt của LĐ VN tại Israel. Đây là thị trường tiềm năng cho LĐ nông thôn bởi môi trường làm việc thuận lợi, thu nhập tốt. Hiện một số DN XKLĐ đã xúc tiến đưa LĐ vào Israel như Oleco, Vinamotor. LĐ làm việc theo visa 2 năm, gia hạn 5 năm, lương khởi điểm 1.000 USD/tháng.
Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Bọn em đi theo chương trình hợp tác, chi phí toàn bộ chuyến đi gồm phí quản lý, vé máy bay, thị thực... là 21 triệu đồng. Sang đó thực tập như chúng em có thu nhập khoảng 800 USD/tháng (LĐ thì lương cao hơn, từ 1.000 USD trở lên/tháng-PV). Sau 9 tháng, bạn nào chăm chỉ có thể kiếm được khoảng 6.500 USD”.
Với khoản vốn này, Thanh đang tính toán đầu tư đi học tiếp ngoại ngữ để “tiếp tục sang Mỹ làm nông dân một vài năm, sau đó em sẽ mở một trang trại bò sữa ở Nghệ An”- Thanh nói.
Còn Vũ Xuân Trường hiện đang là giáo viên hợp đồng, giảng dạy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Na Rì. “Em thường nói với bà con, nông dân các nước làm nông nghiệp thành công vì họ chăm chỉ, làm việc có tính toán, chấp nhận đầu tư.
Ví dụ như Israel, muốn trồng trọt, chăn nuôi gì thì trước hết học kỹ thuật, tìm hiểu khả năng tiêu thụ sản phầm, đầu tư đúng quy trình từ A tới Z và chú trọng nhất khâu phòng bệnh. Trong khi VN bà con cứ mua cây, con giống về trồng đã rồi mới học, mới tìm hiểu quy trình... như vậy rủi ro là rất lớn”.
Ông Lê Xuân Luyện cho biết, cùng với các TNS là sinh viên hoặc tân cử nhân các trường ĐH, CĐ khối Nông Lâm, chương trình cũng có sự tham gia của nhiều cử nhân, thạc sĩ đang giảng dạy tại các khoa Nông Lâm. Hiện tại, Oleco đang có khảo sát thực tế gần 500 TNS đã về nước để có đánh giá toàn diện về Chương trình nhằm rút kinh nghiệm trong tổ chức học tập tại nước bạn và áp dụng kiến thức đã học tại quê nhà.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét