Sáng tạo là nhu cầu

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://www.kynang360.com/home/2011/09/sang-to-la-nhu-cau/
Xã hội sáng tạo là một khái niệm mới trong nền kinh tế tri thức, khi mà sức sáng tạo trở thành động lực trực tiếp của sự phát triển. Trong xã hội đó, “con người sáng tạo”, mặc dù không phải là số đông nhưng nhờ vào sức sáng tạo của mình mà lực lượng này có vai trò ngày càng to lớn và là tác nhân chính của những thay đổi hiện tại cũng như trong tương lai. Và trong thế giới đó, để đánh giá sự phát triển của một đất nước, người ta dựa vào “chỉ số sáng tạo”. Những người sáng tạo là xương sống của nền kinh tế.
Sáng tạo là một nhu cầu
Trong lý thuyết động viên, tháp nhu cầu của Maslow chỉ ra con người có 5 mức nhu cầu cần được thỏa mãn, từ nhu cầu sinh tồn (nhu cầu cơ bản), nhu cầu an toàn, nhu cầu được giao lưu tình cảm, nhu cầu được quý trọng (cái tôi), cho đến nhu cầu về sự tự thể hiện bản thân (ý nghĩa). Ông cũng phát hiện ra rằng những nhu cầu cao hơn sẽ không được đáp ứng nếu những nhu cầu ở mức thấp hơn chưa được thỏa mãn.
Mô hình Maslow này trở thành cội rễ của chủ nghĩa tư bản.  Nhưng trong xã hội sáng tạo, những con người sáng tạo – những nhà khoa học và nghệ sĩ,  thường từ bỏ ham muốn vật chất để đạt đến trạng thái tự hoàn thiện. Họ tìm kiếm những thứ mà tiền bạc không thể mua được. Họ tìm kiếm ý nghĩa, hạnh phúc và sự nhận thức về tinh thần. Điều kiện vật chất của họ thường xuất hiện cuối cùng như phần thưởng cho thành tích mà họ đạt được. Vì thế, đối với những con người sáng tạo nhu cầu cao nhất là tự hoàn thiện trở thành nhu cầu cơ bản của họ. Và trong trường hợp này, mô hình tháp Maslow nghịch đảo sẽ được áp dụng trong tương lai. Cần phải tạo môi trường và điều kiện thích hợp để những cá nhân sáng tạo, sáng tạo tri thức. Và lúc này nhu cầu sáng tạo phải được thõa mãn trước hết.
Động lực 3.0
Theo Daniel Pink đưa ra một mô hình mới cho sự động viên là “động lực 3.0”. Nó được coi là bí quyết cho các nhà quản lý nhân sự sử dụng trong thời đại mới. Mô hình động viên mới này được giải thích như sau:
-         Động lực 1.0: cho rằng con người là sinh vật phải đấu tranh để sinh tồn
-         Động lực 2.0: cho rằng ngoài đấu tranh sinh tồn, con người còn phản ứng trước các phần thưởng và hình phạt trong môi trường của mình nữa
-         Động lực 3.0: ngoài các yếu tố của 2.0, con người còn có một động lực thứ 3 là khao khát học hỏi, sáng tạo và làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Cơ sở của việc phân loại hành vi động lực này đó là học thuyết tự quyết SDT – Self Determination Theory: Loài người có động lực nội tại bẩm sinh muốn được tự trị, tự quyết và được kết nối với nhau. Và khi động lực đó được giải phóng, con người đạt những thành tựu rực rỡ hơn, và cuộc sống sung mãn hơn.
Từ một số nghiên cứu đáng chú ý, Daniel Pink chỉ ra rằng nguyên lý “cây gậy và củ cà rốt” có thể làm giảm đáng kể năng lực của người lao động trong việc đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề. Những khám phá khoa học mới nhất cho thấy trí óc chống lại những hiểu biết đã lỗi thời, và rằng con người chỉ có thể được thúc đẩy bởi hy vọng đạt được hoặc nỗi sợ mất mát. Một động lực nữa thúc đẩy chúng ta chính là khả năng tăng trưởng và phát triển, nhằm nhận ra tiềm năng sáng tạo đầy đủ nhất của mình. Được tự do sáng tạo là nền tảng để người nhân viên có thể phát huy năng suất của mình trong công việc. Vì thế muốn cho nhân viên làm việc tốt việc đầu tiên hãy thỏa mãn nhu cầu căn bản này. Hãng Google đã từng tiến hành nhiều nghiên cứu về hiệu suất làm việc của con người. Tuy nhiên trong tất cả các kết quả thu được, thì chỉ có môi trường làm việc của Best Buy là đem lại kết quả tốt. Ở Bets Buy  nhân viên có thể làm công việc họ lựa chọn bất cứ lúc nào và theo cách nào đó miễn là đạt được mục tiêu đề ra.
Thế hệ tương lai là thế hệ của những lao động kiểu mới. Họ là những người hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo như khoa học, nghệ thuật và các dịch vụ đặc thù. Họ có ảnh hưởng đến toàn xã hội bằng phong cách sống và thái độ của mình. Họ thường không ngừng tìm cách hoàn thiện bản thân và thế giới nơi họ đang sống. Tính sáng tạo của họ sẽ định hình thế giới. Khắp nơi trên thế giới, xã hội sáng tạo đang dần hình thành và phát triển, đặc biệt là ở Mỹ, Châu Âu. Tại đây, những người dân đang bắt đầu sống và làm việc giống như những nhà khoa học và những nghệ sĩ sáng tạo, cùng với đó là mức đầu tư cho lĩnh vực sáng tạo đã ngày một gia tăng.
Cạnh tranh bằng sáng tạo
Các nhà tập đoàn đa quốc gia ngày nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức và sự phức tạp của việc kinh doanh trong môi trường toàn cầu. Cạnh trang ngày một khốc liệt và sẽ còn gia tăng khi mà các nền kinh tế mới nổi đầy quyền lực như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của họ. Việc công ty thấm nhuần về một nền văn hoá sáng tạo có thể tạo ra nhiều sự khác biệt nổi bật và nhờ đó giải quyết ổn thoả mọi thách thức kinh doanh mới phát sinh. Có thời Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ được xem là mảnh đất tốt để tận dụng sức sản xuất kiểu vệ tinh – nhờ chi phí lao động thấp hơn châu Âu hay Bắc Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng rõ nét hơn, việc chú trọng vào giáo dục và tính sáng tạo đang làm cho Trung Quốc trở thành điểm hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Chẳng hạn Microsoft có ba trung tâm R&D tầm cỡ toàn cầu – ngoài trụ sở chính ở Redmond, bang Washington (Mỹ), hai trung tâm còn lại thì một ở London (Anh), và một ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Quản lý biên tập tờ Business Week, Stephen J. Adler, đã lồng vào môi trường kinh doanh hiện nay thêm một từ nữa: “Nền kinh tế sáng tạo”. Trong một bài xã luận “Sẵn sàng để đổi mới” được xuất bản vào tháng 8/2005, ông viết: “Nền kinh tế sáng tạo có thể bị đánh giá là thổi phồng quá mức, thế nhưng điều mà nhiều công ty đang ấp ủ, đó là khả năng cạnh tranh mạnh mẽ bằng các sáng chế và thiết kế mới, đã chỉ ra được những khó khăn mà các công ty Mỹ đang mắc phải: những công việc kỹ thuật cao với mức lương chót vót, đồng thời phải dời công việc sản xuất sang những nước khác. Thế nhưng, những công ty Mỹ thông minh nhất cũng sẽ nhận ra rằng, họ vẫn có khả năng dẫn đầu thị trường nếu họ thực sự lắng nghe những mong muốn của khách hàng và luôn xem xét lại các mẫu thiết kế sản phẩm. Đó là lý do vì sao Starbucks bán cà phê nhanh ồ ạt.”
Văn phòng làm việc của Microsolf luôn được thiết kế với nhiều phong cách ấn tượng bằng sự kết hợp của màu sắc và hình khối kết hợp với các yếu tố về âm nhạc và giải trí giúp cho nhân viên tận dụng não phải của mình trong việc tác ý tưởng mới. Cuộc chiến của các doanh nghiệp sản xuất xe hơi hiện nay là cuộc chiến trong ngành thiết kế, những mẩu mã mới của những nhà thiết kế công nghiệp kiểu dáng xe hơi sẽ là lợi thế cạnh tranh. Ông Bruno Sacco, nguyên giám đốc thiết kế kiểu dáng của Mercedes Benz, người có công đóng góp rất lớn vào những thành công của công ty đã từng khẳng định: “Kiểu dáng liên quan tới 85% quyết định mua của khách hàng”, khi nói về tầm quan trọng của kiểu dáng đối với việc gia tăng giá trị của sản phẩm. Thiết kế kiểu dáng đóng vai trò đáng kể trong việc đưa ra quyết định mua hàng như vậy, nhưng nhiều công ty của ta hiện vẫn còn nghĩ rằng họ không cần quan tâm đến thiết kế kiểu dáng. Tất cả những gì mà họ đang tìm cách làm đó là bán hàng với giá rẻ hơn so với đối thủ cạnh tranh và đã thành công theo cách như vậy. Dẫu rằng đó chỉ là thành công nhất thời, nhưng cũng rất nguy hiểm.
Có thể thấy, những nhà lãnh đạo kinh doanh ngày nay cần theo đuổi triết lý suy nghĩ mới về “một nền kinh tế sáng tạo”. Các công ty cũng như các bộ phận thiết kế cần phải hợp nhất sức mạnh lý trí và tính sáng tạo thành một khối thống nhất. Sáng tạo trong việc tạo ra các giá trị cho khách hàng, sáng tạo trong phát triển sản phẩm công nghệ…Kết quả sẽ đem đến cho các khách hàng những trải nghiệm thú vị hơn và có ý nghĩa hơn. Đó cũng chính là điều sẽ đem lại cho các công ty sự tín nhiệm và lòng trung thành của khách hàng. Kỷ nguyên mà não trái thắng thế và thời đại thông tin do nó phát sinh ra đang dần được thay thế bởi một thế giới mới mà tại đó các phẩm chất của não phải như sáng tạo, trực giác. Chúng ta đang chuyển từ một kỷ nguyên mà những ai có bằng MBA (cử nhân quản trị kinh doanh) hầu như không còn khả năng cạnh tranh với bằng MFA – Master of Fine Arts (cử nhân mỹ thuật) . Đây thực sự là một cách thức suy nghĩ hoàn toàn mới. Có lẽ câu trả lời cho việc phải đương đầu với các thách thức kinh doanh ngày nay như thế nào không phải là đơn nhất lựa chọn các giải pháp, kỹ năng từ một bán cầu não riêng biệt, mà phải có sự phối kết hợp cả hai.


----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét