Hãy "trồng cây chuối" cho tư duy

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://yo.ymconline.vn/index.php/toi-di-lam/ky-nang/hay-trong-cay-chuoi-cho-tu-duy
Việc kinh doanh nói riêng và công việc nói chung đều cần đến rất nhiều kĩ năng bên ngoài những kiến thức chuyên môn căn bản. Một trong những kĩ năng độc đáo của rất nhiều doanh nhân thành dạt bây giờ là kĩ năng tư duy ngược – kiểu tư duy “trồng cây chuối”. Một kĩ năng đòi hỏi tính sáng tạo cao cho những cái đầu rất “quái”.
Kiểu suy nghĩ “đảo chiều”
Mỗi lúc đối mặt với vấn đề, con người thường hay tư duy – một hoạt động của hệ thần kinh để giúp định hình và tìm ra cách giải quyết. Có nhiều kiểu tư duy khác nhau, và kiểu tư duy ngược là một cách tư duy có thể coi là tương đối kì lạ, không giống với những cách tư duy thông thường.
Khi được hỏi về cụm từ “tư duy ngược”, nhiều bạn sinh viên đã đưa ra những ý kiến khác nhau. Theo Hương (k51, CLC KTQT) thì tư duy ngược đã được áp dụng từ khi các bạn còn học trung học, khi giáo viên dạy Toán đã đưa ra cách giải phụ cho những bài toán hóc búa theo hướng chứng minh phản chứng (chứng minh điều ngược lại là đúng) để tìm ra đáp án. Thảo (k51, TATM) lại cho rằng tư duy ngược là cách biến cái bị hỏng, bị lỗi thành cái sáng tạo để giải quyết vấn đề theo hướng mới. Tư duy ngược, đó là một cách suy nghĩ về những kết luận ban đầu đã bị bỏ qua, hoặc nghĩ về những ý tưởng ngược đời, để đột phá và tạo ra những hình ảnh hoàn toàn mới lạ.
Khi chúng ta đang trên một trục tư duy theo hướng cố định để giải quyết vấn đề, và bạn đi một mình theo chiều ngược lại với trục tư duy ấy, thì đó là lúc bạn đang thực hiện tư duy ngược. Hiểu rộng ra, đó là cách bạn tách mình ra khỏi những suy nghĩ thông thường, mở rộng và nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, từ đó đưa giải pháp hiệu quả, giải quyết những vấn đề phức tạp, và thậm chí nhân lên nhiều lần năng suất công việc.
Những bài học cho doanh nghiệp
Tuyển dụng luôn là một vấn đề “đau đầu” cho những người làm nhân sự. Ứng dụng tư duy ngược và tuyển dụng đôi khi cũng là một cách độc đáo. Thay vì tuyển dụng những người phù hợp với công việc, một số công ty đã đề ra phương án “tuyển dụng những người mình không cần”. Những công ty thành công nhất thường tuyển dụng dựa vào thái độ của người nộp hồ sơ cũng như tài năng của họ trong đa dạng các lĩnh vực, sau đó mới xác định vai trò cho họ. Như vậy, khi nhân viên được nhận vào làm việc, họ có thể đem đến những cách làm việc mới mẻ và tái tạo năng lượng cho công ty. Mark Zuckerberg đã áp dụng phương pháp trên, do vậy công ty Facebook luôn hoạt động hiệu quả. Steve Jobs, một nhà lãnh đạo tài ba với thương hiệu Macintosh (Mac) cũng cho rằng “Macintosh tuyệt vời một phần là nhờ những người sáng tạo ra nó là những nhạc công, nhà thơ, nhà động vật học và các sử gia – những người tình cờ trở thành các nhà khoa học máy tính giỏi nhất thế giới".


Mark Zuckerberg và Steve Jobs - hai ví dụ điển hình cho sự tư duy ngược hiệu quả
Trong marketing, tư duy ngược có thể được áp dụng hiệu quả khi công ty cần tìm một môi trường mới để thay đổi doanh số bán hàng. Điều này đã được chứng minh bởi sự thành công của rất nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Coca Cola, P&G, Levi’s… Vijay Govindarajan, một giáo sư kinh tế ở đại học Dartmouth tin rằng, sự “đổi mới ngược” tuy tạo ra những thách thức trong chiến lược marketing, sẽ vĩnh viễn thay đổi cách doanh nghiệp làm ăn, về nguồn lực và sự dịch chuyển đầu tư. Theo giáo sư Govindarajan, “thật hợp lí khi những người nghèo hơn muốn sử dụng sản phẩm của những người giàu có. Đổi mới ngược chính là làm điều ngược lại, tại sao người giàu lại không muốn sản phẩm của người nghèo? Nó chỉ yêu cầu sự thay đổi suy nghĩ trong việc marketing và quảng cáo”.
Tạp chí Forbes đã từng viết về “những ý tưởng kinh doanh ngờ nghệch” – những sản phẩm của tư duy ngược, những ý tưởng dường như ngớ ngẩn nhưng lại đem đến doanh thu không ngờ. Những niềm tin vô lí nhất, đôi khi giúp nhà doanh nghiệp thoát ra khỏi cái khuôn khổ, lối mòn thường ngày. Điều quan trọng ở đây, không chỉ là việc những nhân viên có sự sáng tạo, mà còn xuất phát từ phía nhà lãnh đạo, những người biết cổ vũ đúng lúc, khích lệ nhân viên của mình dám nghĩ, dám làm và tạo ra sự đột phá.
… và trong cuộc sống
Thông thường, do nền giáo dục hay một lí do khách quan nào đó mà người ta thường tư duy theo một lối mòn, dùng những kiến thức, những điều mà ta cho là hiển nhiên để giải quyết một vấn đề, vì nó mang lại cảm giác chắc chắn và an toàn. Tuy nhiên, đôi khi nó không hiệu quả. Khi ấy ta có thể áp dụng tư duy ngược vào nhiều trường hợp, và biết đâu lại trở nên thích thú với sự áp dụng ấy.
Lấy ví dụ về việc truyền thông và báo chí. Bạn làm báo, bạn phải đến đưa tin một buổi hội thảo tẻ nhạt. Bài viết của bạn có thể sẽ chẳng thu hút được độc giả bởi phần nội dung nhàm chán. Như vậy, “tư duy ngược” là khi bạn để ý cuộc hội thảo ở một khía cạnh hoàn toàn khác, và khai thác sâu khía cạnh ấy lên. Bài báo của bạn trở nên hấp dẫn và độc đáo hơn hẳn. Hay khi bạn thi trượt, đó đôi khi không phải một điều đáng buồn mà ngược lại, là một “dịp may”. Nhờ có thi trượt, bạn “được” học lại, được củng cố kiến thức, nắm chắc nó hơn rất nhiều so với những người bạn “đỗ vớt”. Và biết đâu, bạn còn có thể nhận ra ai là người bạn tốt của mình, biết giúp đỡ mình qua giai đoạn khó khăn – thi trượt ấy.
Vậy thì, tư duy ngược trong cuộc sống, không chỉ mang lại kết quả tốt, mà còn giúp bạn phát triển nhiều khả năng và tư duy tích cực hơn.
Học cách tư duy ngược – tại sao không?
Khi đối mặt với một vấn đề, nhiều người lập tức lao vào tìm hướng giải quyết, và đôi khi việc này chỉ khiến họ đi vào ngõ cụt hoặc càng ngày càng rối trí. Trong trường hợp này, tư duy ngược có thể giúp đưa ra cách giải quyết nhanh nhất. Trang web mindtools.com đã đưa ra 5 bước để có thể tư duy ngược hiệu quả:
1. Định nghĩa rõ vấn đề cần giải quyết, và viết nó ra.
2. Đảo ngược lại vấn đề bằng cách đặt ra câu hỏi: “Tôi có thể gây ra vấn đề này bằng cách nào?”, hoặc “Làm thế nào để tôi gây ra hiệu quả ngược lại?”
3. Nhanh chóng nghĩ ra vấn đề ngược lại để tìm được những ý tưởng giải quyết. Cho phép mình được nghĩ một cách thoải mái, đừng bỏ qua điều gì ở giai đoạn này.
4. Một khi bạn đã nghĩ ra tất cả các ý tưởng giải quyết vấn đề, bây giờ đảo ngược tất cả chúng lại để xử lí thách thức ban đầu.
5. Đánh giá các cách giải quyết. Bạn có thể thấy một cách giải quyết khả thi rồi chứ?
Những hành vi “bình thường” thường được mong đợi ở nơi làm việc, vì đó là cách dễ dàng nhất và hiệu quả nhất để mọi thứ được hoàn thành. Tư duy ngược có thể khó khăn hơn, nhưng bạn có thể luyện tập nó thương xuyên với 5 bước trên, và hãy đặt ra những thử thách ít ai muốn nghĩ tới, như liệt kê 3 cách uống nước mà không cần cầm cốc, kể 3 điểm giống nhau giữa một chiếc xe đạp và… một chú chó! Những suy nghĩ như vậy sẽ giúp thả lỏng những phần não bộ bị “đóng đinh” cố định trong đầu, giúp phát huy tư duy sáng tạo một cách tốt nhất.
Và quan trọng nhất, việc tư duy ngược trong các bạn trẻ, dù có dẫn đến nhiều hành động bột phát, thì nó cũng không thể hiện sự bốc đồng. Theo một blogger, trong cuộc sống, cần “nhìn ngược” nhưng hãy… “đi xuôi”. Đó là cách những người trẻ thể hiện mình, nổi loạn theo cách riêng mình để phá vỡ cái vỏ bọc cũ kĩ và hướng tới những điều mới mẻ, sáng tạo hơn.
 “Quả táo cắn dở” Apple mang một câu slogan ngắn gọn, đơn giản: “Hãy tư duy khác biệt.” (Think different.); đối với hãng Nike, đó là “Cứ làm đi.” (Just do it.)… và đây là những thương hiệu gây tiếng vang toàn cầu.  Xét cho cùng, tư duy ngược nói riêng, hay suy rộng ra là tư duy sáng tạo, lúc này hay lúc khác, nhất định sẽ đem lại sự khác biệt trong kinh doanh, và cả trong cuộc sống.
 



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét