Bí quyết trở thành nhà lãnh đạo sáng tạo

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

sangtaodoimoi.blogspot dẫn từ nguồn: http://www.tinmoi.vn/Bi-quyet-tro-thanh-nha-lanh-dao-sang-tao-01148618.html
Paul Sloane, một học giả và diễn giả nổi tiếng về lãnh đạo và sáng tạo, tác giả của cuốn sách The Innovative Leader (Nhà lãnh đạo sáng tạo) đã đưa ra những lời khuyên dưới đây giúp các nhà lãnh đạo giải quyết khó khăn này.
Trong thế giới kinh doanh ngày nay, đổi mới và sáng tạo là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công lâu dài của doanh nghiệp và bản thân mỗi cá nhân. Thế nhưng không phải nhà lãnh đạo nào cũng có thể trở thành người sáng tạo hay phát huy được hết khả năng sáng tạo của mình.
Paul Sloane, một học giả và diễn giả nổi tiếng về lãnh đạo và sáng tạo, tác giả của cuốn sách The Innovative Leader (Nhà lãnh đạo sáng tạo) đã đưa ra những lời khuyên dưới đây giúp các nhà lãnh đạo giải quyết khó khăn này.
Có một tầm nhìn hướng đến thay đổi. Bạn không thể mong đợi các nhân viên hay cộng sự của mình trở thành những người sáng tạo nếu họ không biết được họ sẽ đi về đâu. Nhà lãnh đạo phải là người vạch ra đích đến trong tương lai cho nhân viên dưới quyền và lộ trình để đi đến đó.
Bất cứ sự sáng tạo hay đổi mới nào cũng phải xuất phát từ một mục đích. Nhà lãnh đạo phải xây dựng một tuyên bố tầm nhìn, vạch ra đường hướng kinh doanh của doanh nghiệp sao cho mọi thành viên có thể dễ hiểu và dễ nhớ.
Một nhà lãnh đạo tài ba thường dành nhiều thời gian để nói về tầm nhìn, những mục tiêu và những thử thách. Anh ta giải thích với các nhân viên về vai trò quan trọng của họ trong việc hoàn thành tầm nhìn và đương đầu với các thách thức. Anh ta khơi nguồn cảm hứng cho nhân viên, biến họ thành những doanh nhân đầy đam mê, nhiệt huyết và luôn tìm những con đường sáng tạo để đi đến thành công.
Đấu tranh với nỗi sợ thay đổi. Những nhà lãnh đạo sáng tạo luôn thuyết phục người khác phải đổi mới. Họ làm cho người khác phải thay thế sự tự mãn bằng những tham vọng, hoài bão. Họ giải thích rằng mặc dù thử nghiệm cái mới bao giờ cũng đầy rủi ro, nhưng đứng yên một chỗ còn rủi ro hơn gấp nhiều lần. Họ vẽ ra một bức tranh rất thu hút khiến mọi người phải hành động và chấp nhận rủi ro để đạt được những điều tốt đẹp hơn. Tương lai luôn mở ra nhiều cơ hội và thách thức.
Nhà lãnh đạo sáng tạo luôn nói với mọi người rằng để đạt được mục đích, điều duy nhất phải làm là đổi mới.
Suy nghĩ như một nhà đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư mạo hiểm thường sử dụng chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư để phân tán rủi ro. Họ thường xem xét nhiều lựa chọn, đề xuất khác nhau. Họ cảm thấy thoải mái khi chấp nhận một thực tế là không phải ý tưởng nào mà họ đầu tư vào cũng đem lại thành công.
Xây dựng các chương trình trưng cầu đề xuất của nhân viên. Các chương trình này phải tập trung vào một vấn đề cụ thể nào đó, dễ tham gia, dễ sử dụng và kèm theo nhiều giải thưởng có giá trị cho những ý tưởng hay. Nhưng nên nhớ rằng, sự công nhận và phản hồi của các nhà lãnh đạo cho những ý tưởng, đề xuất là điều quan trọng nhất. Giải thưởng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu những ý tưởng mới của nhân viên không được triển khai thực hiện.
Phá vỡ các nguyên tắc. Để đổi mới một cách triệt để, nhà lãnh đạo phải thách thức tất cả những giả định, những nguyên tắc cố hữu đang áp đặt lên cách nhìn nhận của mọi người trong tổ chức đối với những vấn đề xung quanh. Kinh doanh không phải là một môn thi đấu thể thao với các thể lệ và trọng tài rõ ràng, mà là một nghệ thuật. Một người suy nghĩ đa dạng thì sẽ có nhiều cơ hội hơn để tìm ra những cách làm mới và đáp ứng cho các khách hàng những sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ mong muốn.
Giao cho nhân viên hai nhiệm vụ. Tất cả các nhân viên đều phải được giao hai nhiệm vụ chính. Hãy yêu cầu họ thực hiện các công việc hiện tại của mình một cách hiệu quả nhất, đồng thời tìm ra những cách hoàn toàn mới để thực hiện các công việc này.
Hợp tác. Nhiều vị tổng giám đốc điều hành xem sự hợp tác là chìa khóa thành công trong nhiệm vụ đổi mới và sáng tạo. Biết rằng không thể thành công nếu chỉ dựa vào nội lực, họ tìm đến các tổ chức bên ngoài để hợp tác. Một ví dụ điển hình là sự hợp tác của Mercedes và Swatch để sản xuất xe hơi hiệu Smart. Mỗi bên đều có những bí quyết và kinh nghiệm riêng để bổ sung cho nhau và làm nên một sự hợp tác thành công.
Không ngại thất bại. Nhà lãnh đạo sáng tạo luôn khuyến khích văn hóa thử nghiệm trong tổ chức. Anh ta luôn nói với mọi người rằng thất bại là một bước tất yếu trong con đường đi đến thành công. Anh ta luôn tạo ra sự tự do cho nhân viên: tự do sáng tạo, tự do thử nghiệm cái mới, tự do vươn tới thành công và cả tự do để chấp nhận thất bại.
Luôn đi đầu trong những cái mới. Hãy thử nghiệm ý tưởng mới bằng khoản chi phí đầu tư thấp ở một phân đoạn nhỏ nào đó của thị trường để tìm hiểu phản ứng của khách hàng. Thực tế bao giờ cũng đem lại nhiều kinh nghiệm và thông tin thiết thực và có giá trị hơn bất cứ kết quả nghiên cứu thị trường nào.
Đam mê. Nhà lãnh đạo sáng tạo luôn tập trung vào những điều mà anh ta muốn thay đổi, những thử thách quan trọng nhất mà anh ta đang phải đương đầu và say mê với việc chinh phục những điều đó. Động cơ, niềm đam mê và sức lực của anh ta sẽ vạch ra hướng đi và khơi nguồn cảm hứng cho những người khác. Điều quan trọng là anh muốn “đồng hội, đồng thuyền” với những người mạo hiểm, có mục đích, có đam mê và niềm tin sẽ đi đến đích.
Nếu muốn khơi dậy sự sáng tạo ở người khác, muốn họ thay đổi cách làm để đạt được những kết quả phi thường thì trước tiên chính nhà lãnh đạo phải đam mê với niềm tin và sự lựa chọn của mình rồi truyền niềm đam mê đó đến người khác trong mỗi lần chuyện trò với họ.




----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

Chìa khóa vàng dẫn dắt thành công trong sáng tạo đổi mới: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét