Mô hình kinh tế - tri thức Tú Xương gia

Người đăng: nhung dieu hay on Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Đệ tử:
-         Thưa sư phụ tiên sinh, thời đồ đá đã phát triển đến trình độ kinh tế - tri thức nhưng có điều phân vân là xưa nay chữ nghĩa và tiền bạc không mấy khi chung đường chung lối!
Sư phụ:
-         Cũng có khi chung đường chung lối như thế là may lắm rồi! Xưa nay mối quan hệ giữa kinh tế và tri thức chung qui lại có một số mô hình như sau:
-         Mô hình kinh tế - tri thức Tú Xương gia.
-         Mô hình kinh tế - tri thức Socrates gia.
-         Mô hình kinh tế - tri thức Thương gia.
-         Mô hình kinh tế - tri thức Khoa gia.
-         Mô hình kinh tế - tri thức Khoa thương gia.
-         Mô hình kinh tế - tri thức Gánh hàng rong gia.
-         Mô hình kinh tế - tri thức Copy & Past gia.
-         Mô hình kinh tế - tri thức Động viên gia.
-         Mô hình kinh tế - tri thức thung lũng chết và biển Darwin.

-        
Đệ tử:
-         Xin thỉnh giáo về mô hình kinh tế - tri thức Tú Xương gia, thưa sư phụ tiên sinh?

1. Mô hình kinh tế - tri thức TÚ XƯƠNG GIA.
Một trong những nhà khoa học có sự nghiệp cà trầy cà trật bậc nhất làng ta chính là Tú Xương tiên sinh. Lúc sinh thời, Ngài đã từng 8 lần thi tú tài nhưng chỉ đỗ vào lần cuối. Ngài là một hiện tượng hết sức cá biệt trong lịch sử sự học làng ta và trên toàn thế giới.
Ngài sinh 9/5/1870 sau Tây Lịch, hưởng dương 37 tuổi, Ngài có tên mụ là Trần Tế Xương. Sau khi thi trượt cả 4 lần đầu, Ngài đổi thành tên thành Trần Cao Xương để lấy hên, nhưng rốt cuộc phải thêm 4 lần thi nữa mới đỗ.
Phải chăng vì sự cà trầy cà trật này mà Ngài có một tinh thần doanh nhân cũng cao đến tột bậc chẳng kém sự học. Ngài quan niệm phu nhân không chỉ trên phương diện tình cảm mà còn cả phương diện tài chính. Sau đây là bài thơ THƯƠNG VỢ của Ngài - một bài thơ tuyệt tác nói về tình cảm lẫn tài chính phu thê.
Quanh năm buôn bán ở mom sông.
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng.
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận.
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc.
Có chồng hờ hững cũng như không.
Thiên hạ cứ ngỡ Ngài có một bất tiện nho nhỏ là phải nịnh vợ, nào ngờ Ngài xem điều ấy là diễm phúc tột bậc trong đời! Với một tư duy đột phá như thế, Ngài sướng tuyệt đối. Ngài chẳng lo chi cả, quanh năm suốt tháng chỉ tập trung vào thơ phú để Nàng càng lặn lội thân cò hơn!
Cũng vậy, thiên hạ cứ ngỡ Nàng có một bất tiện nho nhỏ là phải lặn lội thân cò, nào ngờ Nàng xem điều ấy cũng là diễm phúc tột bậc trong đời! Với một tư duy đột phá như thế, Nàng sướng tuyệt đối! Nàng chẳng lo chi cả, quanh năm suốt tháng chỉ tập trung vào lặn lội thân cò để Ngài càng thơ phú hơn! 
Phu thê Tú Xương tiên sinh.
Năng lực tổ chức kinh doanh của Nàng thật là kinh bang tế thế, bảo đảm chu toàn cho một nền kinh tế gia đình cả thảy 22 miệng ăn. Thật vậy, phu thê Tú Xương là 2, tám đứa con nữa là 10, thêm tứ thân phụ mẫu vị chi 14 người. Cả Ngài và phu nhân đều là con trưởng, với tứ đại đồng đường nên phải tính thêm tứ thân phụ mẫu của tứ thân phụ mẫu, thêm 8 người nữa nên cả thảy 22 nhân khẩu.
Thật là phi thường khi một người ăn rồi làm kinh tế mà vẫn nuôi nổi 21 người ăn rồi không làm kinh tế! (Khi sáng bài thơ tuyệt tác THƯƠNG VỢ, phu thê Ngài chỉ mới có 5 con, sau đó thêm 3 nữa, cả thảy là 8 với 6 trai 2 gái).
Trong lịch sử kinh tế thế giới không có một nền kinh tế nào - từ cấp gia đình cho đến cấp làng - có năng suất lao động cá nhân có thể cao đến thế và năng suất lao động tập thể lại thấp đến thế! Năng suất lao động tập thể trung bình chỉ bằng 1/22 so với năng suất lao động cá nhân cao nhất - một sự chênh lệch chưa từng có trong lịch sử.
Tú Xương tiên sinh đang tác nghiệp.
Mô hình kinh tế - tri thức TÚ XƯƠNG GIA sướng về tinh thần, tài chính dồi dào và không cãi cọ. Mặc dù không làm ra đồng xu cắc bạc nào nhưng Ngài vẫn giữ được khí khái của đấng nam nhi đại trượng phu nhưng cũng không thể thiếu nịnh vợ qua mấy dòng thơ cực kỳ tinh tế: “Một trà một rượu một đàn bà / Ba cái lăng nhăng nó quấy ta / Chừa được cái gì hay cái nấy / Có chăng chừa rượu với chừa trà”. 
Các fan hâm mộ trường phái kinh tế - tri thức Tú Xương gia thường hay nghe bài hát: Em muốn sống bên anh trọn đời của nhạc sĩ Nguyễn Cường tiên sinh qua tiếng hát ca sĩ Siu Black.
Em muốn sống bên anh trọn đời.
Như núi Chư Prong đứng bên mặt trời.
Để ngày ngày mặt trời say mê gọi núi.
Em muốn sống bên anh trọn đời.
Như áng mây khát khao khát khao bầu trời.
Bầu trời của em tình yêu của em, mùa xuân ơi (ơ ơ ơ ơ).
Tình yêu tôi như màu xanh ngày lá rừng, giọt sương ơi (ơ ơ ơ ơ ơ).
Tình yêu tôi như dòng Krông Na tuôn trào.
Không bao giờ khô cạn, không khi nào tàn phai.
Xin mãi mãi như con sông dài, đang sống theo anh tới nơi chân trời.
Khi có nhau ta sống trong tình yêu mãi mãi. Dù mùa xuân có tàn phai.



Trần Ngọc Truyền
----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link

BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét